Từ xa xưa, ông cha ta đã biết quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh, đúc kết thành kinh nghiệm để dự báo thời tiết, đề phòng thiệt hại. Ngày nay, dưới sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành khí tượng thủy văn ra đời, đánh dấu bước phát triển của nhân loại, giúp con người theo dõi dòng chảy của nước, theo dõi hướng gió, dự báo thời tiết một cách chi tiết và chính xác hơn. Khí tượng thủy văn hiểu nôm na là sự kết hợp giữa khí tượng và thủy văn nhằm nghiên cứu về các trạng thái thời tiết, khí hậu,… Từ đó có thể đưa ra dự đoán về các thảm họa tự nhiên như lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy,… Cụ thể, khí tượng nghiên cứu về bầu khí quyển còn thủy văn chủ yếu nghiên cứu sự chuyển động, phân bố và chất lượng của nước trên Trái đất. Theo bước tiến của xã hội, ngành khí tượng thủy văn đã và đang được chú trọng phát triển, cụ thể như ở nước ta, hằng năm phải hứng chịu nhiều thiên tai do bão lũ gây ra, chỉ tính riêng năm 2020 đã có đến 14 cơn bão và hai áp thấp nhiệt đới xung quanh vùng biển Đông, 9 trong tổng số 14 cơn bão và một trong tổng số 2 áp thấp nhiệt đới có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Việc dự báo chính xác thời gian và hướng đi của cơn bão giúp ta có những biện pháp đề phòng, ứng phó phù hợp, từ đó mà giảm thiểu thiệt hại về người và của trong nhân dân. Theo tổ chức Khí tượng thế giới (WMO - World Meteorological Organization), việc sử dụng thông tin khí tượng thủy văn có thể mang lại lợi ích gấp năm, mười lần, thậm chí là hai mươi lần so với chi phí đã bỏ ra. Bình quân mỗi năm ở Việt Nam, nhờ thực hiện công tác khí tượng thủy văn đã mang lại nguồn lợi kinh tế lên đến ba nghìn tỷ đồng. Có thể nói, lợi ích mà KTTV mang lại là vô cùng to lớn, có khi còn chẳng thể cân đo đong đếm được vì có liên quan trực tiếp đến tính mạng con người.
Việc dự báo thời tiết chỉ cho ta biết những khả năng có thể xảy ra nhất với độ chính xác cao, đôi khi còn hoàn toàn sai lệch với thực tế, nhất là thời điểm khí hậu trên Trái Đất đang chuyển biến ngày càng phức tạp hơn như hiện nay. Dù muốn hay không thiệt hại về tài sản, về con người là điều không thể tránh khỏi. Tháng 10/2020, miền Trung Việt Nam đã phải hứng chịu cơn bão số 6 kinh hoàng. Trận lũ ấy không chỉ cuốn trôi tài sản, của cải, vật nuôi mà còn lấy cả tính mạng của nhân dân. Trong cơn mưa bão, có người đàn ông ôm đầu gào khóc bất lực nhìn người vợ sắp sinh của mình bị dòng lũ vô tình kia cuốn đi. Kỳ tích đã không xuất hiện, vợ và con anh đã ra đi mãi mãi, đứa con mà anh hằng mong ngóng còn chưa kịp ra đời đã phải kết thúc sinh mạng nhỏ bé của mình vì thiên tai. Chưa hết đau thương, xót xa cho số phận của gia đình kia, cơn bão ấy lại cuốn đi sinh mạng của 13 chiến sĩ trên đường thực hiện nghĩa vũ đất nước, cứu trợ bà con đang mắc kẹt vì bão lũ.
Tôi hy vọng rằng, những người đang đọc bài viết này có thể hiểu thêm về vai trò của khí tượng thủy văn trong đời sống cũng như có cái nhìn cụ thể hơn về một lĩnh vực thú vị và đang còn khá mới mẻ này. Tôi càng hy vọng chúng ta có thể cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, có thể hôm nay chỉ là một túi nilon, một lon nước đã qua sử dụng bạn bỏ vào đúng nơi quy định hoặc chỉ đơn giản là nhặt rác xung quanh nơi bạn sống. Chỉ cần vài bước là có thể bỏ rác vào sọt tại sao ta lại vứt nó ngay dưới chân? Một hành động thật xấu xí mà có lẽ nhiều người trong số chúng ta đã từng ít nhất một lần làm điều đó. Hãy cùng nhau chung tay vì một Trái Đất không có rác thải, hãy trả lại màu xanh vốn thuộc về nơi tươi đẹp này!
Nguyễn Trần Yên Bình
Tác giả: ĐNThuyên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Từ ngày thành lập đến nay, hoạt động của trường đã đi vào nền nếp khá vững chắc. Các đoàn thể nhà trường đều được công nhận vững mạnh. Đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình công tác. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư hàng năm đáp ứng được nhu cầu phát triển trường lớp. Năm học 2021 - 2022, trường...